BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN (GERD)

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY GERD

1/ Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản ( GERD ) là gì ?

Ở người bình thường, sau khi thức ăn được đưa vào miệng và xuống đến thực quản, các cơ thắt thực quản giãn ra để cho thức ăn cùng các chất lỏng đi vào dạ dày rồi lại đóng lại. Tuy nhiên, người bị trào ngược dạ dày sẽ gặp tình trạng acid từ dạ dày trào ngược lên phần thực quản khiến cho lớp niêm mạc thực quản bị kích thích và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.

2/ Triệu Chứng Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản

  • *Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua: cảm giác nóng rát từ dạ dày hay vùng ngực dưới, lan hướng lên cổ. Các triệu chứng ợ có thể sẽ tăng lên khi ăn no, khi uống nước, khi đang đầy bụng khó tiêu hoặc khi bạn cúi gập người về phía trước, nằm nghỉ hoặc ngủ vào ban đêm.
  • *Đau, tức ngực :Người bệnh có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực xuyên ra lưng và cánh tay. Triệu chứng này là nguyên nhân khiến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tim mạch. Cảm giác đau này là đau ở đoạn thực quản phần chạy qua ngực. Acid trào ngược lên kích thích vào đầu các sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, gây ra cảm giác đau giống như đau ở ngực.
  •  *Đau họng: Nếu acid trào lên cổ họng, có thể gây đau họng. Có cảm giác như có khối u trong cổ họng hoặc khó nuốt. Trào ngược lên cổ họng thường xảy ra vào ban đêm.
  • *Buồn nôn, nôn: Sự trào ngược của acid vào họng hoặc miệng, kích thích họng miệng gây cảm giác buồn nôn. Tình trạng này có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào nhưng thường nặng nhất vào ban đêm do tư thế khi ngủ.
  • *Khản giọng và ho: Do dây thanh quản bị tổn thương khi tiếp xúc với acid dạ dày. Người bệnh trào ngược dạ dày sẽ bị khản giọng do dây thanh phù nề, khó nói và lâu ngày thành ho do dịch viêm chảy xuống thanh phế quản.
  • *Miệng tiết nhiều nước bọt: Miệng tiết nhiều nước bọt là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể ở vùng miệng nhằm trung hòa bớt lượng acid trào lên.

Các triệu chứng GERD có thể nặng hơn:

  • Vào ban đêm hoặc khi nằm.
  • Sau bữa ăn lớn hoặc nhiều chất béo.
  • Sau khi cúi người.
  • Sau khi hút thuốc hoặc uống rượu.

3/ Nguyên Nhân Gây Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY GERD
TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY GERD

Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản xuất phát từ một số nguyên nhân bao gồm: 

  • Rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới: Cơ thắt thực quản dưới có vai trò giãn mở ra khi nuốt, sau đó sẽ co thắt và đóng kín ngăn không cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi cơ thắt này bị suy giảm chức năng, không đóng hoàn toàn có thể khiến acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
  • Bệnh dạ dày: một số bệnh lý tại dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày… khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn, cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ trào ngược acid từ dạ dày lên thực quản.
  • Béo phì hoặc tăng cân đột ngột khiến áp lực lên dạ dày tăng lên, làm cho các triệu chứng trào ngược trở nên trầm trọng hơn.
  • Căng thẳng, stress trong công việc hoặc cuộc sống kích thích cơ thể tiết ra hormone cortisol, làm tăng lượng acid HCl và pepsin gây ra tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Tác dụng phụ của thuốc: một số loại thuốc như thuốc kháng cholinergic, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh… nếu sử dụng không đúng cách cũng có thể gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Người hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động do khói thuốc khi vào cơ thể qua đường thực quản sẽ làm kích thích niêm mạc dạ dày
  • Người bị thoát vị hoành, liệt dạ dày, hoặc bệnh lý mô liên kết như xơ cứng bì
  • Người có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh như uống rượu bia, ăn nhiều đồ chua, ăn nhiều dầu mỡ, lười vận động, nằm liền sau ăn…

4/ Phòng Ngừa Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản

  • *Từ bỏ hút thuốc lá: thường xuyên hút thuốc lá sẽ làm giảm khả năng hoạt động bình thường của cơ thắt thực quản dưới (cơ tâm vị), làm tăng nguy cơ mắc chứng trào ngược thực quản.
  • *Duy trì cân nặng ở mức ổn định: Thừa cân, béo phì sẽ làm tăng áp lực lên cơ hoành bụng, thúc đẩy dạ dày gây trào ngược acid dạ dày.
  • *Không nên nằm ngủ sau khi ăn no: Nằm ngủ sau khi ăn sẽ khiến dạ dày rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, gây khó tiêu, ợ hơi, ợ chua do trào ngược, chỉ nên nằm ngủ sau khi ăn ít nhất 3 giờ.
  • *Ăn chậm, nhai kỹ, ăn đúng giờ và chia bữa ăn thành nhiều phần nhỏ: Cách làm này giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, giảm những tác động tổn thương lên dạ dày, từ đó ngăn chặn chứng trào ngược dạ dày thực quản.
  • *Tránh thức ăn và đồ uống có thể gây trào ngược: Bệnh nhân nên tránh sử dụng thực phẩm gây trào ngược dạ dày như thức ăn cay nóng, chứa nhiều acid và đồ uống có cồn như cà phê, bia, rượu…
  • *Tránh mặc quần áo ôm, bó sát: Một số loại quần áo bó sát, đặc biệt là tại vùng eo có thể gây áp lực lên dạ dày và cơ thắt thực quản dưới dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược dạ dày cần điều trị ở giai đoạn đầu khi bệnh mới khởi phát nhằm giảm nguy cơ biến chứng. Vì vậy, khi thấy triệu chứng bệnh xuất hiện, bệnh nhân cần tiến hành thăm khám để bác sĩ chẩn đoán mức độ và đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp.

PHÒNG KHÁM TIÊU HÓA- NỘI SOI 474