DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG  

DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG

Loét dạ dày tá tràng là những vết loét hở xuất hiện trên lớp niêm mạc bên trong của dạ dày và phần trên ruột non.

Dạ dày được bao phủ bởi một lớp chất nhầy để bảo vệ khỏi dịch tiêu hóa thức ăn (acid dạ dày). Khi trong dạ dày có nhiều acid hơn và không đủ chất nhầy, acid sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây ra vết loét.

Loét dạ dày tá tràng bao gồm:

  • Loét dạ dày xảy ra ở bên trong dạ dày
  • Loét tá tràng xảy ra ở bên trong đoạn đầu của ruột non.

1/ Nguyên Nhân

Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra loét dạ dày là nhiễm trùng vi khuẩn Helicobacter Pylory (H.P) và sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen và naproxen. Căng thẳng và thức ăn cay không gây ra loét dạ dày nhưng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

  • Vi khuẩn H.P làm tổn thương niêm mạc và gây ra những vết loét bằng cách sản sinh một loại men trong môi trường acid dạ dày và ăn mòn hàng rào chất nhầy. Từ đó dẫn đến việc người bị nhiễm vi khuẩn H.P có khả năng cao bị viêm loét dạ dày tá tràng.
  • Đường lây truyền của H. pylori vẫn chưa rõ ràng. Nó có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp. Người ta cũng có thể bị nhiễm H.P qua thức ăn và nước uống.
  • Sử dụng thường xuyên một số thuốc giảm đau: sử dụng aspirin cũng như một số loại thuốc giảm đau không steroid như NSAIDs có thể kích ứng hoặc viêm lớp niêm mạc dạ dày và ruột non. Các loại thuốc này bao gồm ibuprofen, naproxen natri, ketoprofen, v.v.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ của loét dạ dày là:

  • Hút thuốc lá: thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng ở những người bị nhiễm vi khuẩn H.P.
  • Uống rượu: rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày, đồng thời làm tăng lượng axit trong dạ dày.
  • Căng thẳng thường xuyên.
  • Ăn nhiều thức ăn cay.

2/ Triệu Chứng

  • Đầy hơi, ăn không tiêu và buồn nôn. Khi bị viêm loét, dạ dày tiết ra nhiều acid dẫn đến hiện tượng trào ngược thực quản gây ra cảm giác buồn nôn. Đồng thời, khiến người bệnh khó chịu, đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu, ăn không ngon miệng.
  • Đau vùng trên rốn (thượng vị). Cơn đau diễn ra âm ỉ, kéo dài, đau nặng hơn khi đói, khi ngồi gập bụng…
  • Ợ hơi, ợ chua, nóng rát. Đây là triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng khá phổ biến, gặp nhiều ở bệnh nhân mới khởi phát bệnh.
  • Các rối loạn về tiêu hóa như tiêu chảy và táo bón.
  • Do bị đầy bụng, người bệnh có cảm giác khó tiêu, khó đi vào giấc ngủ cũng như ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh dậy lúc nửa đêm.

Ít gặp hơn, loét dạ dày có thể gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng nghiêm trọng: 

  • Nôn hoặc nôn ra máu – có thể có màu đỏ hoặc đen 
  • Máu đen trong phân
  • Thiếu máu không rõ lí do
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân 
  • Nuốt nghẹn kéo dài

3/ Cách Phòng Ngừa Viêm Loét Dạ Dày Tá Tràng

Chúng ta có thể tự bảo vệ mình khỏi viêm loét dạ dày tá tràng bằng cách chủ động phòng ngừa bệnh, hạn chế tối đa các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ cao khiến bạn mắc bệnh.

  • Hạn chế nguy cơ nhiễm vi khuẩn H.P bằng cách vệ sinh tay thường xuyên và ăn những loại thực phẩm sạch, được nấu chín hoàn toàn
  • Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau hoặc sử dụng thuốc giảm đau theo tư vấn chuyên môn từ phía bác sĩ để tránh tình trạng sử dụng quá nhiều NSAID
  • Không uống rượu và hút thuốc lá

4/ Khi Nào Nên Đến Gặp Bác Sĩ

Viêm loét dạ dày tá tràng có thể chữa khỏi hoàn toàn, song trường hợp bệnh tái phát nhiều lần hoặc phát triển thành mạn tính dẫn đến nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng ngày càng nặng hơn.

PHÒNG KHÁM TIÊU HÓA- NỘI SOI 474

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *